Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

TINH HOA ẨM THỰC HUẾ

Văn hóa ẩm thực Huế: Tinh hoa hội tụ
Trong khi một số giới trẻ Việt Nam hờ hững với loại hình văn hóa ẩm thực truyền thống thì nhiều sinh viên nước ngoài lại tìm đến Huế nghiên cứu và học tập một cách say mê.

Đặc biệt thời gian gần đây, khi thiết kế tour du lịch đến Huế, các hãng lữ hành quốc tế luôn muốn du khách được trải nghiệm ẩm thực Huế, từ những món ăn đơn giản chốn dân dã cho đến những món ăn cầu kỳ chốn cung đình. Tất cả tạo nên sắc màu và không gian ẩm thực độc đáo theo chiều dài lịch sử và văn hóa vùng đất Cố đô.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ẩm thực Huế cấu thành bởi các món ăn chay (chủ yếu dành cho các tu sĩ Phật giáo), ăn ngự thiện và dân dã. Ở nông thôn, bữa ăn thường ngày đơn giản là cua đồng, cá ruộng, rau vườn nhưng mỗi khi giỗ kỵ hay lễ tết, người ta vẫn có thể chế biến thành những món ăn tinh xảo không thua kém cung đình.
Cả nước hiện có khoảng 3.000 món ăn các loại thì đã có trên 1.700 món nấu theo lối Huế. Bản thực đơn ngự thiện có trên vài trăm món thuộc loại cao lương mỹ vị, được chuẩn bị và tổ chức rất công phu, tỉ mỉ và cầu kỳ. Các món ăn dân dã phổ biến trong đời sống hàng ngày với thực đơn phong phú được các bà nội trợ Huế chế biến khéo léo với hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn, coi trọng phần chất hơn lượng. 
 
Những món ăn Huế không chỉ ngon mà còn được trình bày đẹp mắt
Nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời từng nhận xét, người Huế thích ăn bằng mắt. Nhưng dù huy động toàn bộ giác quan cho việc hấp thụ dinh dưỡng, người Huế cũng chỉ cốt ăn lấy hương lấy hoa, như họ thường tự nói về mình. Sự thanh thản ấy có thể nhận biết trên những chiếc bánh bèo nhỏ xíu như chực tan ngay đầu lưỡi, những lá bánh nậm mỏng tanh cánh chuồn, tô bánh canh Nam Phổ bày biện như bức tranh nhiều màu sắc, chén chè bắp Cồn Hến mát lịm mà hương thơm theo vào tận giấc mơ… Những món ăn Huế dù là cao lương mỹ vị hay dân dã đơn sơ, đều làm cho ai đó một lần nếm qua phải xuýt xoa khen ngon đến mức “ngậm mà nghe”, để rồi lưu luyến mãi cái hương vị khó quên ấy. Dường như qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, món ăn đã được thổi vào cái hồn và chút gì đó tâm linh của Huế.
Huế từng có mấy thế kỷ là trung tâm xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, đến thế kỷ XIX là đất kinh kỳ phồn hoa đô hội, với non một thế kỷ rưỡi làm kinh đô nước Việt, nơi quy tụ một vương triều với biết bao quan lại, nho sĩ. Ở đó, ngoài chốn vương phủ còn có các tầng lớp quý tộc và thượng lưu, trí thức đều tụ họp về đây. Điều đó đã đòi hỏi người Huế không chỉ giỏi chế biến các món ăn cực kỳ tinh tế chỉ dùng trong chốn vương phủ. Ngày nay tuy không còn giữ vai trò một trung tâm kinh tế - chính trị lớn hàng đầu đất nước, nhưng Huế vẫn là nơi duy trì những bóng dáng xưa cũ của một triều đại với tất cả lối sống một thời vàng son. Và dĩ nhiên, trong những đặc trưng văn hóa lâu đời của Huế, cách ăn uống đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nét văn hóa và phong cách con người xứ Huế.
Món cơm thập cẩm Huế

Ăn theo lối Huế
Đối với Huế, ăn uống là một loại hình văn hóa. Vậy ăn thế nào mới đúng lối Huế? Người Huế ăn theo lối Huế là chuyện thường tình, cách ăn uống đã nằm trong tâm khảm của mỗi người. Ngồi vào bàn, cầm đôi đũa đã biết gắp làm sao, cầm chén làm sao, món ấy phải ăn với gì.
Ở Huế và cả dải đất miền Trung có rất nhiều kiểu nấu bánh canh nhưng chế biến bánh canh theo như người làng Nam Phổ chỉ có một. Có điều lạ, trong khi nhiều món ẩm thực dân gian khác đã lên quán, lên phố thì bánh canh Nam Phổ hầu như cứ giữ nguyên hình ảnh của một gánh hàng rong. Trên gánh bánh canh có một mẹt gia vị gần chục loại như bột ngọt, muối, mắm ớt, tương ớt, hạt tiêu, ớt thái lát, hành lá thái nhỏ... đựng trong các bát nhỏ. Người bán hàng mỗi khi mở nắp vung nồi bánh canh, dùng môi múc bánh canh cho khách ăn, một mùi thơm thanh nhẹ quyện lên theo gió. Đó là sự hòa quyện của mùi bột, mùi chả tôm, cua…
Một tô bánh canh Nam Phổ - Huế

Nam Phổ - ngôi làng nhỏ thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang cách TP Huế chừng 6 cây số về hướng Thuận An. Nét đặc trưng trước nhất ở nồi bánh canh Nam Phổ là có màu hồng hồng và hơi sền sệt. Bánh canh Nam Phổ không quá đặc cũng không quá lỏng, sợi bánh không dai cũng không nát. Trên mặt chén, lúc múc bánh canh, chỉ cần một cái vung tay nhẹ của O (cô) hàng bánh canh là đã có một mảng đỏ gạch cua xinh xinh, hấp dẫn và có đủ tôm cua trong chén, nghĩa là có đủ cả, không cần phải múc lần thứ hai… Ăn chén bánh canh, không cần nuốt, chỉ cần húp, miếng bánh canh vẫn cứ trôi trụt xuống như thường.

Chiều chiều, từng đoàn mấy O gánh bánh canh mặc áo dài từ phía Vỹ Dạ tất tả gánh lên Huế bán. Người sành ăn phải biết đón đúng lúc mới có ăn, chậm hết. Ở Huế, các nhà mê bánh canh Nam Phổ phải cho người ra đứng sẵn ngoài đường để hướng dẫn O bánh canh vào nhà. Đó cũng là kỹ thuật của cố nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị hồi xưa (1877 - 1961) đã áp dụng để chắc chắn có bánh canh Nam Phổ ăn mỗi buổi chiều. Vị thi sĩ này mê bánh canh Nam Phổ đến nỗi đặt luôn câu hò bánh canh Nam Phổ và dạy cho cô gái út là nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, ngân nga mỗi khi có khách đến nhà cùng lão thưởng thức món ăn Huế mộc mạc: Mời chị mời anh chén bánh canh Nam Phổ - Xơi vô khỏi cổ có chất bổ có mùi hương - Lại thêm mát mẻ can trường - Sâm Cao Ly cũng sút, rượu Quỳnh tương cũng không bì.
Món đặc sản - bún bò giò heo được nhiều người yêu thích 
Cùng với hàng ngàn món ăn trong bữa cơm gia đình, Huế còn có những món ăn đặc sản như bún bò giò heo, nổi tiếng nhất là bún Gia Hội, chợ Tuần. Lại còn hàng chục loại bánh mặn, ngọt mà ai đã một lần nếm thử, hẳn không quên được món quà đặc sắc chốn cựu kinh. Đó là các loại bánh nổi tiếng gắn liền với các địa danh: bánh khoái Đông Ba, bánh bèo Ngự Bình, bánh ướt thịt nướng Kim Long… Qua những món ăn ấy, người thưởng thức mới thấu hiểu được cách chế biến cầu kỳ và cũng đòi hỏi những thể thức lâu đời trong cách làm và cách tận hưởng.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan chia sẻ, thật thiếu sót nếu nói nhiều về món ăn Huế mà không nhớ đến món ăn chay. Thời các vua chúa triều Nguyễn, Phật giáo trở thành quốc giáo. Cả một lớp quý tộc ăn chay nên các món ăn chay ở Huế rất phong phú (có khoảng 125 món). Các món ăn chay được làm cầu kỳ và ngon không kém món ăn mặn. Đối với các gia đình phật tử ở Huế, mỗi lần mời bạn bè ăn một bữa cơm chay thì đó là một cách bày tỏ sự quý mến và trân trọng người bạn của mình lắm.
Theo Văn Thắng/ Báo Sài Gòn Giải phóng
Bạn có thể tham khảo thêm một số revew ẩm thực Huế
banner
Previous Post
Next Post

0 nhận xét: